Hiện nay, nợ bảo hiểm xã hội đang là một vấn nạn khá nhức nhối đối với ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung. Điều đáng buồn là số lượng trường hợp vi phạm đang ngày càng có chiều hướng gia tăng chóng mặt. Vậy nếu đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội thì có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người lao động không? Và nếu nợ quá lâu thì có sao không? Tất cả những vấn đề này sẽ được Dịch Vụ Bảo Hiểm giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.
Nợ bảo hiểm xã hội là gì?
Căn cứ theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH, nợ bảo hiểm xã hội được định nghĩa như sau:
Nợ bảo hiểm xã hội là tiền phải đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo quy định của pháp luật nhưng đơn vị chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Tiền nợ bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định của pháp luật nhưng đơn vị chưa đóng.
Như vậy, nợ bảo hiểm xã hội là cụm từ ám chỉ khoản tiền đóng cho bảo hiểm xã hội mà đáng lý ra đơn vị sử dụng lao động phải thanh toán cho cơ quan bảo hiểm vào mỗi kỳ thu nhưng đơn vị sử dụng lao động vẫn chưa đóng khoản tiền đó.
Bài viết liên quan:
- Luật Bảo Hiểm Xã Hội: Những Thông Tin Bạn Cần Biết
- Bảo Hiểm Xã Hội Tiếng Anh Viết Như Nào?
- Những Thông Tin Bạn Cần Biết Về BHXH Tự Nguyện
- Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội: Những Thông Tin Bạn Cần Nắm Được
- 7 Phần Mềm Bảo Hiểm Xã Hội Thông Dụng Cho Người Lao Động
Các quy định về nợ bảo hiểm xã hội
Căn cứ theo điều 36 tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH, các quy định về quản lý nợ và truy thu nợ bảo hiểm xã hội sẽ có những điều khoản như sau:
Phân loại nợ
Nợ bảo hiểm xã hội sẽ được chia thành 4 loại chính:
- Nợ phát sinh: Có thời gian dưới 1 tháng
- Nợ chậm đóng: Có thời gian từ 1 đến 3 tháng
- Nợ kéo dài: Nợ từ 3 tháng trở lên
- Nợ khó thu hồi Là các trường hợp như đơn vị không còn tại địa điểm kinh doanh; đơn vị đang làm thủ tục giải thể, pháp sản; đơn vị có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; đơn vị chấm dứt hoạt động;…
Quy trình tổ chức đôn đốc và thu nợ bảo hiểm xã hội
Quy trình này sẽ gồm có 3 giai đoạn do 3 bộ phận khác nhau của hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện:
Giai đoạn 1: Phòng quản lý thu
Nếu đơn vị sử dụng lao động nợ quá 2 tháng tiền đóng đối với phương thức đóng hằng tháng; 4 tháng đối với phương thức đóng 3 tháng một lần; 7 tháng đối với phương thức đóng 6 tháng một lần thì phòng quản lý thu sẽ thực hiện quy trình như sau:
- Cán bộ đến trực tiếp địa điểm kinh doanh của đơn vị để tiến hành đôn đốc và lập văn bản về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Theo mẫu D04h-TS)
- Gửi văn bản đôn đốc định kỳ 15 ngày một lần.
- Sau 2 lần gửi văn bản, nếu đơn vị vẫn không nộp tiền bảo hiểm thì hồ sơ (Mẫu D04h-TS; văn bản đôn đốc đơn vị nộp tiền) sẽ được chuyển tiếp qua phòng khai thác và thu nợ để xử lý.
Giai đoạn 2: Phòng khai thác và thu nợ
Sau thời gian 3 tháng kể từ ngày lập biên bản làm việc về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (Mẫu D04h-TS) và thực hiện các công tác đôn đốc mà đơn vị sử dụng lao động vẫn không đóng bảo hiểm xã hội thì phòng khai thác và thu nợ sẽ phối hợp với Phòng Thanh tra – Kiểm tra để lập danh sách đơn vị đề nghị thành lập đoàn thanh tra đột xuất (Mẫu số D04m-TS). Nhằm mục đích tổ chức thanh tra chuyên ngành theo quy định hoặc phối hợp với cơ quan quản lý lao động, cơ quan Thuế thành lập đoàn thanh tra liên ngành.
Giai đoạn 3: Phòng thanh tra – kiểm tra
Phòng thanh tra – kiểm tra sẽ tiếp nhận các hồ sơ từ phòng khai thác và thu nợ, tiến hành công tác thanh tra chuyên ngành về việc đóng bảo hiểm xã hội, xử phạt hành chính các đơn vị vi phạm.
Cách tính lãi chậm
Nếu đơn vị sử dụng lao động đóng tiền bảo hiểm xã hội chậm từ 30 ngày trở lên thì sẽ bị cộng dồn thêm tiền lãi tính trên số tiền bảo hiểm chưa đóng. Cụ thể, công thức để tính như sau:
Lcđi = Pcđi x k |
Trong đó:
- Lcđi: Tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội tại tháng i
- k: Lãi suất để tính lãi chậm đóng tại thời điểm tính lãi. Đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp thì k được tính bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân năm trước liền kề theo tháng do bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố.
Ngoài ra, ta còn có công thức tính số tiền bảo hiểm xã hội mà đơn vị sử dụng lao động đóng chậm quá thời hạn phải tính lãi tại một tháng nào đó:
Pcđi = Plki – Spsi |
Trong đó:
- Plki: Tổng số tiền bảo hiểm xã hội phải đóng lũy kế đến hết tháng trước liền kề tháng tính lãi i (không bao gồm số tiền lãi chậm đóng, lãi truy thu các kỳ trước còn nợ nếu có).
- Spsi: Số tiền bảo hiểm xã hội phải đóng phát sinh chưa quá hạn phải nộp. Ta có cách xác định như sau:
- Trường hợp đơn vị đóng theo phương thức hằng tháng: Số tiền bảo hiểm xã hội phải đóng phát sinh bằng số tiền phát sinh của tháng trước liền kề tháng tính lãi.
- Trường hợp đơn vị đóng theo phương thức 03 tháng, 06 tháng một lần: Số tiền bảo hiểm xã hội phải đóng phát sinh bằng tổng số tiền phải đóng phát sinh của các tháng trước liền kề tháng tính lãi chưa đến hạn phải đóng.
Truy thu bảo hiểm xã hội
Trong một số trường hợp, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ phải tiến hành truy thu đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp
Các trường hợp bị truy thu
Cơ quan bảo hiểm sẽ tiến hành truy thu trong các trường hợp sau đây:
- Truy thu do trốn đóng: Trường hợp đơn vị trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan bảo hiểm kết luận, cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền kết luận. Thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng như sau:
- Toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016;
- Đối với thời gian trốn đóng từ ngày 01/01/2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm áp dụng tại thời điểm phát hiện trốn đóng.
- Truy thu đối với người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động về nước truy đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động chưa đóng: Trường hợp sau 6 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động về nước mới thực hiện truy đóng bảo hiểm xã hội thì số tiền truy thu bảo hiểm xã hội được tính bao gồm cả số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.
- Truy thu do điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động: Trường hợp sau 6 tháng kể từ ngày người có thẩm quyền ký quyết định hoặc hợp đồng lao động nâng bậc lương, nâng ngạch lương, điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp tháng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mới thực hiện truy đóng bảo hiểm xã hội thì số tiền truy thu bảo hiểm xã hội được tính bao gồm cả số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.
- Và các trường hợp khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Cách tính lãi truy thu
Số tiền lãi truy thu được tính bằng công thức sau:
Trong đó:
- Ltt: Số tiền lãi truy thu
- v: Số tháng trốn đóng bảo hiểm xã hội trong năm j phải tiến hành truy thu
- y: số năm phải truy thu
- Pttij: Số tiền phải truy thu bảo hiểm xã hội của tháng i trong năm j
- Nij: Thời gian trốn đóng tính bằng số tháng kể từ tháng trốn đóng i của năm j đến tháng trước liền kề tháng thực hiện truy thu
- kj: Lãi suất tính lãi chậm đóng (%)
Người lao động nên làm gì khi bị nợ bhxh?
Khi đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội thì hệ luỵ kèm theo đó là người lao động sẽ không được hưởng các chế độ bảo hiểm như chế độ thai sản, chế độ ốm đau, chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp,… Vậy thì vấn đề đặt ra là làm sao để người lao động đủ điều kiện được thụ hưởng các quyền lợi vốn có của bảo hiểm xã hội trong bối cảnh đơn vị sử dụng lao động đang nợ tiền bảo hiểm? Sẽ có 2 cách giải quyết dành cho bạn:
- Cách 1:
Căn cứ vào điểm b mục II thuộc Công văn số 2266/BHXH-BT, ta có điều khoản như sau:
Đối với doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn nợ BHXH, BHYT, nếu giám đốc doanh nghiệp có văn bản gửi cơ quan BHXH cam kết trả đủ tiền nợ BHXH, BHYT và thực hiện đóng trước BHXH, BHYT đối với người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH, người lao động thôi việc để giải quyết chế độ BHXH và chốt sổ BHXH, thì giám đốc BHXH tỉnh xem xét, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xác nhận thực trạng khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết.
Như vậy, trong trường hợp này thì người lao động có thể phản ánh vấn đề của bản thân với ban lãnh đạo. Nếu đơn vị sử dụng lao động đồng ý gửi văn bản cam kết trả đủ tiền nợ bảo hiểm xã hội lên cơ quan bảo hiểm và thực hiện đóng trước tiền bảo hiểm để giải quyết cho trường hợp của người lao động thì người lao động sẽ được thanh toán các khoản tiền bảo hiểm cho chế độ tương ứng mà họ được hưởng.
- Cách 2:
Nếu cách bên trên không thể thực hiện được vì đơn vị sử dụng lao động không chấp nhận việc làm văn bản cam kết để gửi cho cơ quan bảo hiểm, thì người lao động hãy yêu cầu đơn vị sử dụng lao động trả lời về vấn đề của mình bằng văn bản. Đồng thời, người lao động hãy tiến hành làm đơn gửi lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền để họ có thể hỗ trợ vấn đề của bạn cũng như giải quyết cho tranh chấp này. Đối với các đơn vị đóng chậm đóng bảo hiểm xã hội thì mức phạt hành chính được quy định trong điều 26 thuộc Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, như sau:
Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Các câu hỏi thường gặp về nợ bảo hiểm xã hội
Sau đây là những câu hỏi thường gặp nhất về trường hợp nợ bảo hiểm xã hội:
1. Nếu công ty nợ bảo hiểm xã hội thì có được chốt sổ không?
Căn cứ vào điểm 3.2 khoản 6 điều 46 thuộc quyết định số 595/QĐ-BHXH, chúng ta có điều khoản như sau:
“ Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH”
Như vậy có thể thấy, cho dù đơn vị sử dụng lao động đang nợ bảo hiểm xã hội nhưng người lao động vẫn có thể chốt sổ bảo hiểm khi chấm dứt hợp đồng lao động với đơn vị sử dụng lao động.
Đọc thêm: Cách chốt sổ bảo hiểm xã hội
2. Nợ bảo hiểm xã hội bao lâu thì bị thanh tra?
Các đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội trên 2 tháng thì cơ quan bảo hiểm sẽ yêu cầu đơn vị nộp đầy đủ số tiền cần đóng trước trước ngày đầu tiên của tháng liền kề. Trong trường hợp quá thời hạn thì cơ quan bảo hiểm sẽ thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành và tiến hành xử phạt hành chính.
3. Nếu công ty đang nợ bảo hiểm xã hội thì người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Như đã đề cập bên trên, nếu đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội thì người lao động sẽ không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào thuộc các chế độ bảo hiểm cả (bao gồm trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác). Trong trường hợp này, bạn có thể áp dụng 2 phương pháp mà chúng tôi vừa hướng dẫn bên trên để yêu cầu được hưởng quyền lợi bảo hiểm nếu bản thân đủ điều kiện.
4. Nợ bảo hiểm xã hội có bị phạt tù không?
Căn cứ theo điều 216 thuộc Bộ luật hình sự được ban hành vào năm 2015, ta có các mức phạt hành chính và các mức phạt tù như sau:
Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
- Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng
- Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
- Phạm tội 2 lần trở lên
- Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng
- Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người
- Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên
- Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên
-
Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
Như vậy có thể thấy, nếu các hành vi nợ bảo hiểm xã hội được cơ quan bảo hiểm kết luận là trốn đóng bảo hiểm thì đơn vị sử dụng lao động hoàn toàn có khả năng sẽ bị phạt tù với mức phạt tùy theo từng trường hợp.
5. Nộp tiền nợ bảo hiểm xã hội ở đâu?
Bạn có thể nộp các khoản nợ bảo hiểm xã hội ở những cơ quan bảo hiểm tại địa phương nơi bạn sinh sống. Ngoài ra, bạn cũng có thể trả tiền nợ bảo hiểm xã hội bằng phương pháp chuyển khoản cho kho bạc nhà nước hoặc chuyển đến các tài khoản chuyên thu của cơ quan bảo hiểm tại các ngân hàng như: Ngân hàng đầu tư phát triển, ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngân hàng Công thương, ngân hàng ngoại thương,…
Lời kết
Thực trạng nợ bảo hiểm xã hội nếu không được giải quyết triệt để thì về lâu về dài sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến ngân sách của quỹ bảo hiểm xã hội. Điều này có liên quan trực tiếp đến sự ổn định và tính cân bằng của cả một hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam. Chính vì thế, bản thân mỗi người phải tự ý thức được hậu quả của những việc mà mình làm, trên hết là phải đảm bảo chấp hành thật nghiêm minh những quy định của pháp luật. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề nợ bảo hiểm xã hội thì hãy liên hệ ngay với baohiemxahoi.org để được chúng tôi tư vấn và giải đáp thắc mắc nhé.
Ngành Bảo hiểm xã hội không kiên quyết, không cứng rắn trong việc xử lý các chủ doanh nghiệp cổ tình chây ỳ, nợ kéo dài, nhằm chiếm đoạt tiền của quỹ Bảo hiểm xã hội, chiếm đoạt tiền của người lao động thì sẽ không bao giờ hết vấn nạn chủ doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ đọng kéo dài tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Cuối cùng lại để cho người lao động phải chịu thiệt thòi, mất quyền lợi khi hết tuổi lao động.
Lẽ ra doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội, chậm đóng hoặc không đóng tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động thì đây là mối quan hệ giữa công ty bảo hiểm xã hội và chủ doanh nghiệp. Vậy công ty bảo hiểm xã hội phải dựa vào Luật pháp để đứng ra đòi số tiền mà doanh nghiệp đã nợ, đã chiếm đoạt đó. Ở đây, lại đẩy cho người lao động làm đơn gửi đến các cơ quan hoặc khởi kiện doanh nghiệp là cũng chưa phù hợp và sẽ kém hiệu quả, không có tính dăn đe.
Cơ quan BHXH làm việc nửa vời, không hết trách nhiệm, làm mất lòng tin của người lao động đối với cơ quan nhà nước nói chung và BHXH nói riêng. Doanh nghiệp đã đăng ký đóng BHXH cho người lao động theo chủ trương nhà nước với cơ quan BHXH (mức đóng và tất cả những vấn đề liên quan đều dựa theo luật BHXH, và luật có cả chế tài xử lý khi doanh nghiệp sai phạm). Vậy thì khi doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH định kỳ chính là đang nợ cơ quan BHXH, BHXH có trách nhiệm đôn đốc, đòi nợ hoặc áp dụng chế tài xử lý để bảo vệ quyền lợi của người lao động mới đúng. Đằng này, lại đẩy sang người lao động tự đi gõ cữa các cơ quan chức năng, tự yêu cầu doanh nghiệp (bằng niềm tin) để giải quyết vấn đề, thậm chí người lao động phải tự bỏ tiền túi ra nộp khoản còn nợ nếu muốn giải quyết nhanh để còn hưởng chế độ khi thực sự cần. Quá thất vọng với cách làm việc của cơ quan BHXH