Luật Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất: Cập Nhật Thông Tin 2021

Như mọi người cũng đã biết, văn bản số 58/2014/QH13 được quốc hội ban hành vào năm 2014 chính là bộ luật bảo hiểm xã hội đầu tiên cũng như là cơ bản nhất trong lĩnh vực bảo hiểm. Thông thường, các điều khoản trong bộ luật này sẽ được đổi mới theo chu kỳ mỗi năm một lần, nhằm mục đích theo kịp xu hướng của cộng đồng và tối đa quyền lợi của con người theo từng giai đoạn thời gian. Trong bài viết này, Dịch Vụ Bảo Hiểm sẽ phân tích những đổi mới của Luật bảo hiểm xã hội ở từng giai đoạn tính từ năm 2014 đến hiện tại là năm 2021.

Các luật bảo hiểm xã hội đã ban hành

Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành
Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành

Nhìn chung, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2021 thì mỗi năm đều có những đổi mới nhất định trong các điều khoản của Luật bảo hiểm xã hội. Muốn biết cụ thể hơn thì các bạn hãy đọc tiếp bài viết nhé.

Luật bảo hiểm xã hội 2014 (số 58/2014/qh13)

Như chúng tôi đã nói phía trên thì Luật bảo hiểm xã hội được ban hành vào năm 2014 chính là bộ luật tiền đề trong lĩnh vực bảo hiểm. Còn các Luật bảo hiểm được ban hành sau này đều là được chỉnh sửa, đổi mới, bổ sung, tái bản từ bộ luật bảo hiểm xã hội 2014. Chúng ta hãy cùng điểm lại một vài điều khoản cơ bản trong bộ luật này:

Đối tượng áp dụng

Những đối tượng sau đây bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng thời vụ,…
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 tháng
  • Cán bộ, công nhân viên chức,…
  • Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân;…
  • Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn;…
  • Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
  • Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương
  • Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Các chế độ bảo hiểm xã hội:

  1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
  • Chế độ ốm đau
  • Chế độ thai sản
  • Chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp
  • Chế độ hưu trí
  • Chế độ tử tuất

    2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện:

  • Chế độ hưu trí
  • Chế độ tử tuất

Nguyên tắc bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội hoạt động theo nguyên tắc sau:

  • Mức hưởng bảo hiểm xã hội phụ thuộc vào mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người tham gia bảo hiểm.
  • Mức hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính dựa vào tiền lương tháng của người tham gia bảo hiểm. Còn mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính dựa vào mức thu nhập tháng của người tham gia bảo hiểm.
  • Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
  • Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
  • Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.

Ngoài các điều khoản như trên, Luật bảo hiểm xã hội 2014 còn có những điều khoản khác quy định về các vấn đề như: Điều kiện để hưởng các chế độ bảo hiểm, mức hưởng chế độ, thời gian hưởng chế độ,…

Luật bảo hiểm xã hội 2018

Tính từ 1/1/2018, Luật bảo hiểm xã hội có 4 điểm đổi mới như sau:

  • Bổ sung thêm 2 đối tượng thuộc diện phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 tháng và người lao động là công dân nước ngoài làm việc ở Việt Nam có chứng chỉ hành nghề do cơ quan chức năng cấp.
  • Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được tính thêm các khoản bổ sung. Xem chi tiết hơn tại Điều 30 Luật bảo hiểm xã hội 2018.
  • Số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu sẽ bị tăng dần. Nếu là lao động nữ 55 tuổi thì cần đến 30 năm tham gia bảo hiểm xã hội mới được hưởng tỷ lệ tối đa 75%, trước năm 2018 chỉ cần 25 năm. Đối với lao động nam 60 tuổi thì cần đến 31 năm tham gia bảo hiểm xã hội mới được hưởng tỷ lệ tối đa 75%, trước năm 2018 chỉ cần 30 năm. 
  • Từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở được tăng từ 1.300.000đ/tháng đến 1.390.000đ/tháng nên mức hưởng của chế độ thai sản và chế độ tử tuất cũng được tăng theo. 

Luật bảo hiểm xã hội 2019

luat bao hiem xa hoi 2019

Tính từ ngày 1/1/2019, Luật bảo hiểm xã hội có 5 điểm đổi mới như sau:

  • Trong năm 2019, mức lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP. Chính vì thế, mức tối thiểu của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cũng sẽ tăng lên tương ứng.
  • Theo Nghị quyết 70/2018/QH14, mức lương cơ sở tính từ ngày 1/7/2019 sẽ được tăng lên 1.490.000đ/tháng. Chính vì thế, mức tối đa của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cũng được tăng theo.
  • Vì mức lương cơ sở tăng nên các khoản trợ cấp như: Trợ cấp thai sản, trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng,… cũng tăng theo.
  • Điều chỉnh mức lương hưu đối với các lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng. Xem chi tiết tại Nghị định 153/2018/NĐ-CP.
  • Khi người sử dụng lao động ký hợp đồng với người lao động là công dân nước ngoài thì người sử dụng lao động phải đóng 3% tính trên quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Xem thêm tại Nghị định 143/2018/NĐ-CP.

Luật bảo hiểm xã hội 2020

Tính từ ngày 1/1/2020, Luật bảo hiểm xã hội có 4 điểm đổi mới như sau:

  • Thay đổi về mức tối thiểu và mức tối đa của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể, mức tối thiểu của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, còn mức tối đa của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở. 
  • Trong năm 2020, lao động nam đủ 55 tuổi và lao động nữ đủ 60 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.
  • Từ ngày 1/7/2020, mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000đ/ tháng lên 1.600.000đ/ tháng. Chính vì thế, các khoản trợ cấp như: Trợ cấp một lần khi sinh con, trợ cấp mai táng, trợ cấp dưỡng sức sau khi sinh,… cũng tăng lên tương ứng.
  • Thay thế sổ bảo hiểm xã hội thành thẻ điện tử.

Điểm đổi mới của luật bảo hiểm xã hội 2021 

luat

Trong năm 2021, Việt Nam sẽ áp dụng 2 chính sách mới về bảo hiểm xã hội bắt buộc, cụ thể như sau:

Tăng tuổi nghỉ hưu đối với người tham gia BHXH

Tuổi nghỉ hưu của lao động nam: tăng từ 60 tuổi thành 60 tuổi 3 tháng, còn lao động nữ tăng từ 55 tuổi thành 55 tuổi 4 tháng. Sau mỗi năm sẽ tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ trong điều kiện bình thường, áp dụng trong năm 2021:

  • Năm 2021: 55 tuổi 4 tháng
  • Năm 2022: 55 tuổi 8 tháng
  • Năm 2023: 56 tuổi
  • Năm 2024: 56 tuổi 4 tháng
  • Năm 2025: 56 tuổi 8 tháng
  • Năm 2026: 57 tuổi
  • Năm 2027: 57 tuổi 4 tháng
  • Năm 2028: 57 tuổi 8 tháng
  • Năm 2029: 58 tuổi
  • Năm 2030: 58 tuổi 4 tháng
  • Năm 2031: 58 tuổi 8 tháng
  • Năm 2032: 59 tuổi
  • Năm 2033: 59 tuổi 4 tháng
  • Năm 2034: 59 tuổi 8 tháng
  • Từ năm 2035 trở đi: 60 tuổi

Tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam trong điều kiện bình thường, áp dụng trong năm 2021:

  • Năm 2021: 60 tuổi 3 tháng
  • Năm 2022: 60 tuổi 6 tháng
  • Năm 2023: 60 tuổi 9 tháng
  • Năm 2024: 61 tuổi
  • Năm 2025: 61 tuổi 3 tháng
  • Năm 2026: 61 tuổi 6 tháng
  • Năm 2027: 61 tuổi 9 tháng
  • Từ năm 2028 trở đi: 62 tuổi

Đối với các đối tượng bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm; làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm;… có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không được vượt quá 5 năm so với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường.

Đối với các đối tượng có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không được vượt quá 5 năm so với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường.

Tỷ lệ hưởng lương hưu khi tham gia BHXH

dieu kien huong luong huu

Đối với lao động nam, trước năm 2021 chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội 18 năm là đã được nhận 45%, nhưng trong năm 2021 thì phải đóng đủ 19 năm mới được nhận 45%. Đối với lao động nữ thì phải đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội mới được nhận 45%. Sau mỗi năm, người lao động được cộng dồn thêm 2%, tỷ lệ hưởng mức lương hưu hàng tháng, tối đa là 75%.

Lời kết

Trong tương lai, các điều khoản của luật bảo hiểm xã hội vẫn sẽ được đổi mới liên tục theo từng năm. Nhưng bạn hãy yên tâm vì chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật những tin tức liên quan đến bộ luật này lên website, nên các bạn hãy thường xuyên truy cập website để cập nhật luật bảo hiểm xã hội mới nhất cũng như các thông tin về bảo hiểm xã hội nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *