Như mọi người cũng đã biết, để có thể tham gia giao thông tại Việt Nam thì ngoài các loại giấy tờ tùy thân ra, chúng ta còn cần phải mang theo các giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo đúng quy định hiện hành của pháp luật hiện nay. Trước đó, chúng tôi đã chia sẻ khá nhiều về loại hình bảo hiểm bắt buộc dành cho xe gắn máy trong các bài viết trước nên chúng tôi quyết định sẽ phân tích tiếp về loại hình bảo hiểm bắt buộc còn lại trong bài viết này, đó là bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ô tô. Vậy nên, các bạn hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu nhiều hơn về các vấn đề xoay quanh hình thức bảo hiểm này nhé.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ô tô là gì?
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ô tô là một hình thức bảo hiểm bắt buộc mà đối tượng được bảo hiểm chính là trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với bên thứ ba mỗi khi có tai nạn xảy ra. Đối với loại hình bảo hiểm này thì công ty bảo hiểm sẽ thay mặt chủ xe ô tô để đứng ra bồi thường cho các tổn thất, thương tật của bên bị va chạm. Điều này đồng nghĩa với việc đối tượng duy nhất được bảo hiểm đền bù chỉ có bên thứ 3 trong vụ tai nạn nên đối với các tổn thất liên quan đến sức khỏe, tài sản của chủ phương tiện thì công ty bảo hiểm sẽ được miễn trừ trách nhiệm.
Tuy nhiên, nếu người tham gia muốn sở hữu một sự bảo vệ toàn diện hơn thì họ hoàn toàn có thể chủ động mua thêm các gói quyền lợi bổ sung như: Bảo hiểm vật chất xe ô tô; bảo hiểm người lái xe và người ngồi trên xe; bảo hiểm tài sản, hàng hoá của chủ xe ô tô;…
Vì sao nên mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự dành cho xe ô tô?
Việt Nam hiện đang là một quốc gia có tình hình giao thông vô cùng phức tạp với tỷ lệ xảy ra tai nạn giao thông khá cao. Vì thế, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự có thể được coi là một giải pháp cấp thiết để mỗi một cá nhân trong cộng đồng có thể chủ động bảo vệ bản thân mình trước những rủi ro bất chợt trong quá trình tham gia giao thông đường bộ.
Không phải tự nhiên mà trong tất cả loại bảo hiểm xe cơ giới thì chỉ có duy nhất loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự là được pháp luật quy định bắt buộc đối với các chủ phương tiện. Để giải thích cho điều này thì chúng tôi sẽ đưa ra một ví dụ đơn giản như sau:
Giả sử như một chiếc ô tô nào đó vì một phút chủ quan của người điều khiển nên đã gây ra một vụ va chạm tương đối nghiêm trọng với một chiếc xe gắn máy. Rất may là người điều khiển chiếc gắn máy không bị tử vong nhưng người đó lại bị thương tật khá nặng và bản thân người đó cũng không đủ khả năng tài chính để chi trả cho tất cả các khoản viện phí. Vậy, nếu trong trường hợp cả chủ chiếc ô tô cũng không đủ tiềm lực kinh tế để đền bù tổn thất cho nạn nhân thì ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm cho những thiệt hại của họ?
Lúc này, cùng lắm thì người gây tai nạn chỉ có thể bị phán án tù hình sự nhưng những hậu quả do tai nạn để lại thì chỉ có một mình nạn nhân và gia đình của họ phải gánh chịu. Nghe tới đây thì chắc hẳn các bạn sẽ cảm thấy không công bằng đúng không?
Thực tế đã cho thấy, trong các trường hợp có tai nạn xảy đến thì dù là bên gây tai nạn hay bên bị tai nạn cũng đều sẽ có những thiệt hại nghiêm trọng nhất định về cả thân thể lẫn tài sản, thậm chí còn có thể dẫn đến việc kiện cáo sau này. Vì thế các chính sách về bảo hiểm trách nhiệm dân sự đã được ra đời như một giải pháp chia sẻ gánh nặng tài chính với các bên nhằm khắc phục tối đa hậu quả của tai nạn.
Quay trở lại với ví dụ trên, thử đặt trường hợp nếu chủ xe ô tô có sở hữu loại hình bảo hiểm này thì có phải vấn đề sẽ được giải quyết một cách êm đẹp hơn rất nhiều đúng không? Một phần vì những gánh nặng của bên bị tai nạn sẽ có người cùng chia sẻ, một phần vì cả hai bên sẽ có thể ngồi lại với nhau để thỏa thuận một cách ôn hoà. Ngoài ra, điều này cũng là một trong những cơ sở để giúp hạn chế các xô sát không đáng có khi các phương tiện va chạm với nhau.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể hiểu đơn giản việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ô tô là một phương án giúp bạn không bị phạt hành chính khi cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ. So với số tiền mà chủ phương tiện phải bỏ ra để tham gia loại hình bảo hiểm nêu trên thì chúng tôi chắc chắn mức phạt nếu bạn không có đủ giấy tờ sẽ lớn hơn rất nhiều, nên đừng vì tiếc một số tiền nhỏ mà bỏ qua gói bảo hiểm quan trọng này nhé.
Biểu phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ô tô
Căn cứ theo thông tư số 22/2016/TT-BTC, biểu phí đối với loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự dành cho xe ô tô sẽ được quy định cụ thể như sau:
Ngoài ra, người tham gia cần lưu ý thêm các vấn đề như sau:
- Đối với xe tập lái, mức phí bảo hiểm sẽ được tính bằng 120% của phí xe cùng chủng loại được quy định tại mục I và mục III.
- Đối với xe taxi, mức phí bảo hiểm sẽ được tính bằng 170% của phí xe kinh doanh cùng số chỗ ngồi được quy định tại mục II.
- Đối với xe cứu thương, mức phí bảo hiểm sẽ được tính bằng 120% phí bảo hiểm của xe vừa chở người vừa chở hàng (pickup, minivan) kinh doanh vận tải.
- Đối với xe chở tiền, mức phí bảo hiểm sẽ được tính bằng 120% phí bảo hiểm của xe dưới 6 chỗ ngồi được quy định tại mục I.
- Đối với các loại xe ô tô chuyên dùng khác có quy định trọng tải thiết kế, mức phí bảo hiểm sẽ được tính bằng 120% phí bảo hiểm của xe chở hàng cùng trọng tải được quy định tại mục III. Trong trường hợp xe không quy định trọng tải thiết kế, mức phí bảo hiểm sẽ được tính bằng 120% phí bảo hiểm của xe chở hàng có trọng tải dưới 3 tấn.
- Đối với xe đầu kéo rơ – móoc, mức phí bảo hiểm sẽ được tính bằng 150% của phí xe trọng tải trên 15 tấn. Loại phí bảo hiểm này bao gồm phí của cả đầu kéo và rơ moóc.
- Đối với xe buýt, mức phí bảo hiểm sẽ được tính bằng phí bảo hiểm của xe không kinh doanh vận tải cùng số chỗ ngồi được quy định tại mục I.
Mức hưởng bảo hiểm
Căn cứ theo điều 9 thuộc thông tư số 22/2016/TT-BTC, sẽ có 3 mức trách nhiệm bảo hiểm cụ thể như sau:
- Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn.
- Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
- Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
Mức phạt khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Căn cứ theo điểm a khoản 2 của điều 21 thuộc nghị định số 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm được quy định cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng khi người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực
Các trường hợp loại trừ bảo hiểm
Căn cứ theo điều 13 thuộc nghị định số 03/2021/NĐ-CP, sẽ có 8 trường hợp bị loại trừ bảo hiểm sau đây:
- Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại.
- Người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
- Người lái xe chưa đủ độ tuổi hoặc quá độ tuổi điều khiển xe cơ giới theo quy định pháp luật về giao thông đường bộ; người lái xe không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không hợp lệ.
- Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp bao gồm: Giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
- Thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật.
- Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
- Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: Vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
- Chiến tranh, khủng bố, động đất.
Các câu hỏi thường gặp
Và sau đây sẽ là lời giải đáp cho một số câu hỏi thường gặp xoay quanh loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự dành cho xe ô tô:
1. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ô tô có thời hạn bao lâu?
Căn cứ theo điều 9 thuộc nghị định số 03/2021/NĐ-CP, thời hạn được ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm đối với các loại xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ tối thiểu là 1 năm và thời hạn tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ có thời hạn trên 1 năm.
Trong các trường hợp sau, thời hạn bảo hiểm sẽ được ấn định dưới 1 năm: Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới 1 năm; niên hạn sử dụng của xe cơ giới nhỏ hơn 1 năm theo quy định của pháp luật; xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của Bộ Công an.
Trường hợp chủ xe cơ giới có nhiều xe tham gia bảo hiểm vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm nhưng đến năm tiếp theo lại có nhu cầu đưa về cùng một thời điểm bảo hiểm để dễ quản lý hơn thì thời hạn bảo hiểm của các xe này có thể nhỏ hơn 1 năm và bằng thời gian hiệu lực còn lại của hợp đồng bảo hiểm giao kết đầu tiên của năm đó.
2. Hồ sơ bồi thường bảo hiểm cần có những giấy tờ gì?
Dựa theo điều 15 cũng thuộc nghị định số 03/2021/NĐ-CP, một bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ sẽ bao gồm những giấy tờ như sau:
- Giấy đăng ký xe (hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký xe trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe) hoặc chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và chứng từ nguồn gốc xe (Trường hợp không có giấy đăng ký xe).
- Giấy phép lái xe hợp lệ theo quy định hiện hành của pháp luật.
- Giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của người lái xe.
- Giấy chứng nhận bảo hiểm.
- Giấy chứng nhận thương tích.
- Hồ sơ bệnh án.
- Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc các văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y (Trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn)
- Các chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông (Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện sửa chữa, khắc phục thiệt hại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập giấy tờ này).
- Các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí phát sinh mà chủ xe cơ giới đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
- Bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan Công an do doanh nghiệp bảo hiểm thu thập trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách, bao gồm: Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông hoặc Thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông.
- Biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm lập được thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
3. Trường hợp hàng hoá hoặc tài sản được chuyên chở trên ô tô bị rơi xuống, gây thương tật cho người đi đường thì bảo hiểm có đền bù cho bên thứ ba không?
Trong trường hợp hàng hoá hoặc tài sản trên ô tô bị rơi ra ngoài do quá trình vận hành của xe thì doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm đền bù cho các thiệt hại của bên thứ 3. Còn nếu hàng hoá trên xe bị rơi ra ngoài do lỗi cá nhân của người bốc xếp thì bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ được miễn trừ trách nhiệm đối với trường hợp này.
4. Có nên mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô tại các điểm bán ven đường không?
Trên thực tế, Dịch Vụ Bảo Hiểm không khuyến khích các quý khách hàng nên mua sản phẩm bảo hiểm tại các điểm bán ven đường dù cho mức phí của nó là cực kỳ rẻ. Nguyên nhân thứ 1 là vì những điểm bán đó không có thông tin rõ ràng nên mỗi khi có tai nạn xảy ra thì bạn sẽ không biết tìm ai để chịu trách nhiệm. Nguyên nhân thứ 2 là vì các sản phẩm bảo hiểm được bày bán tràn lan như thế hầu hết là không có giá trị pháp lý khi bạn xuất trình với cảnh sát giao thông.
Nói tóm lại, về vấn đề này thì chúng tôi chỉ có một lời khuyên duy nhất dành cho bạn, đó là chỉ nên tìm mua những chương trình bảo hiểm chính thống do những doanh nghiệp có thông tin rõ ràng cung cấp.
5. Nên mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ô tô ở đâu?
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động trên thị trường đều có cung cấp loại hình sản phẩm này. Bạn có thể tham khảo một số thương hiệu như: Bảo Việt, Bảo Minh, PTI, Pjico, MIC, Liberty,…
Bên cạnh đó, để mua bảo hiểm xe ô tô một cách an tâm nhất thì bạn có thể lựa chọn phương án đến trực tiếp trụ sở hoặc các đại lý của những thương hiệu kể trên. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn bảo hiểm online thông qua các trang web chính hãng của công ty bảo hiểm hoặc tại các trang web trung gian bảo hiểm uy tín như Website Dịch Vụ Bảo Hiểm của chúng tôi chẳng hạn. Có thể bạn chưa biết, chúng tôi là một trong những thương hiệu bảo hiểm nổi tiếng, uy tín, chuyên cung cấp các chương trình bảo hiểm chất lượng và luôn đảm bảo mức giá tốt nhất cho khách hàng.
Lời kết
Vậy là chúng tôi đã thông qua bài viết này để truyền tải cho các bạn độc giả thân yêu tất cả những nội dung quan trọng nhất liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe ô tô. Và nếu các bạn có bất kỳ thắc mắc gì xoay quanh các điều khoản của chương trình bảo hiểm thì cũng đừng ngần ngại mà hãy liên hệ ngay với Dịch Vụ Bảo Hiểm thông qua số hotline để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn một cách sớm nhất nhé.